Phân đới Rạn_san_hô_viền_bờ

Minh họa về phân đới rạn san hô viền bờ

Rạn san hô viền bờ được cho là các ám tiêu có địa mạo đơn giản.[6] Có thể phân đới chúng thành ba thành phần chính: mặt trước rạn (forereef), mào rạn (reef crest) và mặt sau rạn (backreef[1], bao gồm vùng nằm phía sau mào rạn, mặt bằng rạn-reef flat,...[7]). Việc phân biệt rạn viền bờ với rạn chắn bờ có thể bị nhập nhằng trong trường hợp mào rạn của rạn viền bờ bị ngăn cách với đường bờ [đất liền hay đảo] bởi vùng nước sâu hơn bình thường.[8] Milliman (1974) đưa ra tiêu chuẩn độ sâu vùng nước ở đới mặt trong rạn có giá trị dưới 10 mét để định nghĩa một rạn san hô có phải viền bờ hay không.[9]

Mặt trước rạn

Mặt trước rạn, hay sườn dốc (reef slope) là khu vực rất dốc, hầu như thẳng đứng xuống đáy đại dương. Do nơi đây xa đường bờ nhất nên san hô ở sườn dốc tránh được ảnh hưởng [bất lợi] từ nguồn nước ngọt và trầm tích đổ ra từ phía trong đường bờ, từ đó phát triển đa dạng mạnh mẽ cả về mật độ và số lượng loài.[10]

Mào rạn

Mào rạn là nơi cao nhất của rạn và đón nhận toàn bộ năng lượng sóng.[11] Tuy rằng đây là môi trường không lý tưởng cho sự phát triển của san hô nhưng vẫn có một số loài - chiếm ưu thế là san hô dạng cành - thích nghi được.[12]

Mặt bằng rạn

Mặt bằng rạn là đới rộng nhất, nước nông và thoải nhẹ về phía biển. Phần đáy chủ yếu là cát, bùn hay vụn san hô.[10] Mức độ phát triển và mức độ đa dạng thành phần loài san hô kém hơn mặt trước rạn do là vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp của dòng nước ngọt và trầm tích tuôn ra từ phía trong đường bờ.[10]